Từ ngày 26 đến ngày 28/6/2024, hơn một triệu thí sinh trên cả nước đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, cũng là năm cuối cùng thi theo cấu trúc và định dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn – A, B, C, D (trừ môn Ngữ văn). Sau khi được tiếp cận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhiều chuyên gia, giáo viên và học sinh cho rằng: Bên cạnh những điểm tương đồng như các năm trước (hình thức, cấu trúc, phạm vi kiến thức, mục tiêu,…), đề thi tốt nghiệp THPT các môn học nói chung, đề thi Lịch sử nói riêng cũng tích hợp điểm mới, nhằm định hướng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thí sinh sau giờ thi tổ hợp Khoa học Xã hội sáng ngày 29/6. Ảnh: Thạch Thảo

Về tổng thể, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Lịch sử được đánh giá tốt, an toàn; kế thừa và phát huy kết quả đạt được của nhiều năm trước về sử dụng các dạng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (A, B, C, D); đề thi có cách tiếp cận điểm mới là cung cấp tư liệu, tạo thuận lợi cho thí sinh có thêm cơ sở khoa học để lựa chọn phương án trả lời, qua đó định hướng đổi mới cách ra đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để giáo viên và thí sinh thi tham khảo.

Cấu trúc và phạm vi kiến thức theo đúng yêu cầu, định hướng của đề thi minh hoạ

- Đề thi có cấu trúc như đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT công bố (3 - 2024). 40 câu hỏi trắc nghiệm được chia làm 3 cấp độ tư duy để phân hoá thí sinh: Cấp độ “biết” (22 câu, từ câu 1 đến câu 22), cấp độ “hiểu” (8 câu, từ câu 23 đến câu 30), cấp độ “vận dụng” và “vận dụng cao” (10 câu, từ câu 31 đến câu 40). Với 10 câu vận dụng và vận dụng cao, chỉ những học sinh chăm chỉ, có phương pháp ôn luyện hiệu quả, có khả năng tổng hợp kiến thức và tư duy cao mới làm đúng.

- Phạm vi kiến thức của đề thi thuộc Chương trình môn Lịch sử 11 và 12, không có câu hỏi ra vào phần giảm tải. Có 36 câu hỏi thuộc chương trình Lịch sử 12 (đánh giá cả 3 cấp độ tư duy) và 4 câu hỏi thuộc chương trình Lịch sử lớp 11 (phần Lịch sử Việt Nam đánh giá ở cấp độ biết, phần Lịch sử thế giới đánh giá ở cấp độ hiểu). Giống như đề thi môn Lịch sử ở các năm trước, 30 câu hỏi đánh giá thí sinh ở cấp độ biết và hiểu của năm 2024 không có phần giảm tải (theo Công văn Số 3280/BGDĐT-GDTrH, ngày 27/8/2020) của Bộ GD-ĐT; các cụm từ dùng để hỏi và đáp án đều đơn giản, có sẵn trong sách giáo khoa.

Đối với 10 câu hỏi cuối trong mỗi mã đề thi, các cụm từ để hỏi và đáp án không có sẵn trong sách giáo khoa, thí sinh phải tổng hợp, hệ thống hoá kiến thức, đối sách với những nội dung kiến thức có liên quan để loại trừ các phương án và trả lời. Điều này vừa bảo đảm đánh giá được phần đông thi sinh xét tốt nghiệp, vừa phân hoá được thí sinh khá – giỏi để xét tuyển vào đại học. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng (giảng viên khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nôi 1), thầy cô và các em học sinh không nên có quan điểm máy móc, cứng nhắc cho rằng câu hỏi trong đề thi cở cấp độ vận dụng và vận dụng cao “không được” liên quan đến “cụm từ có trong phần giảm tải”, vì đây là những câu hỏi đánh giá tổng hợp nhiều kỹ năng (tái hiện, tổng hợp, phân tích, đối sách, xâu chuỗi vấn đề,…) và yêu cầu thí sinh huy động nhiều đơn vị kiến thức để giải quyết: nội dung kiến thức có thể “giảm tải” trong bài học nghiên cứu kiến thức mới, nhưng vẫn được nhắc tới trong bài tổng kết; nội dung kiến thức có thể “giảm tải ở phần lịch sử thế giới”, nhưng lại được “nhắc tới ở phần lịch sử dân tộc,..

- Cách hỏi, kĩ thuật đặt câu hỏi có sự đồng bộ, thống nhất giữa các mã đề thi. Trong tất cả 24 mã đề thi, các nhóm câu hỏi được đặt đúng ô kiến thức, theo ma trận và cấp độ tư duy để bảo đảm sự công bằng (ví như ở cấp độ vận dụng cao, các mã đề thi đều có câu hỏi liên quan đến đóng góp của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam trong những năm 1919 - 1930). Kĩ thuật đặt câu hỏi và phương án nhiễu cũng có sự đồng bộ như thống nhất số lượng câu nói với các phương án cho sẵn, số câu phủ định, đoạn tư liệu,…). Với hình thức này, thí sinh làm mã đề thi nào cũng yên tâm, có sự công bằng, không có sự chênh lệch về độ dễ và khó.

Như vậy, so với đề thi minh hoạ đã công bố (3 - 2024), đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Lịch sử đã thực hiện đúng theo cấu trúc và phạm vi kiến thức, bảo đảm yêu cầu và định hướng của đề thi tốt nghiệp THPT đã công bố từ trước.

Đề thi bảo đảm tính toàn diện và thực hiện “mục tiêu kép”

- Đề thi tập trung hỏi vào những kiến thức cốt lõi của chương trình. Nội dung câu hỏi trong mỗi mã đề thi tập trung vào những kiến thức cơ bản, cốt lõi theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Các câu hỏi có văn phong diễn đạt rõ ràng, không thách đố học sinh, cũng không có câu hỏi đánh giá việc ghi nhớ vụn vặt, máy móc về thời gian, địa điểm, tên người, diễn biến sự kiện, số liệu,…

- Đề thi bảo đảm tính toàn diện và có định hướng. Tính toàn diện của được thể hiện ở chỗ đề thi phải đánh giá quá trình học tập của học sinh trên nhiều lĩnh vực, theo quy định của chương trình môn học như chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, giáo dục, quan hệ quốc tế, kết nối quá khứ với hiện tại,... Bên cạnh tính toàn diện, các câu hỏi trong đề thi có định hướng theo quan điểm của Đảng, Nhà nước về giáo dục và giáo dục lịch sử (truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc trong khởi nghĩa, kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội; đúc kết bài học kinh nghiệm của quá khứ vào cuộc sống hiện tại; đem kiến thức của lịch sử vào cuộc sống, đem kiến thức của cuộc sống vào vận dụng làm bài thi lịch sử,…).

- Đề thi thực hiện được “mục tiêu kép. Kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức có mục tiêu chính là xét điểm tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp thông tin, cơ sở tin cậy cho các viện, đại học và trường đại học xét tuyển năm 2024 (những thí sinh đạt điểm 7.5 trở lên). Bên cạnh đó, đề thi cũng sẽ góp phần đối sánh việc dạy - học môn Lịch sử của giáo viên và học sinh ở các tỉnh/thành trên cả nước (sau khi công bố kết quả, Bộ GD-ĐT sẽ có thông tin, số liệu cụ thể khi đối sánh “học thật”, “thi thật” giữa các địa phương). Để thực hiện mục tiêu trên, đề thi đã bảo đảm tính bảo mật, toàn diện, xét tốt nghiệp đại trà nhưng cũng có sự phân hoá và công bằng trong đánh giá giáo dục.

Đề thi “có thách thức” nhưng “không đánh đố”, cho điểm “dễ dàng” nhưng không “dễ dãi”

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Lịch sử giống như nhiều năm trước, được xây dựng theo ba nhóm cấp độ tư duy (biết, hiểu và vận dụng), có sự thách thức đối với những thí sinh không nghiêm túc và chủ quan trong việc học tập lịch sử. Những thí sinh đã có kế hoạch và phương pháp học tập khoa học, dành thời gian thoả đáng cho việc ôn luyện lịch sử để hướng tới mục tiêu xét tuyển đại học thì việc đạt điểm khá, giỏi sẽ thuận lợi hơn nhiều. Đề thi có 30 câu hỏi đánh giá thí sinh ở mức độ nhẹ nhàng, có trong sách giáo khoa, nhưng nếu thí sinh không học cẩn thận, không biết vận dụng kiến thức lịch sử đã học và cuộc sống thì sẽ không đạt được yêu cầu. Cụ thể là:

- Mức độ 1 và mức độ 2 (từ câu 1 đến câu 30), câu hỏi nhẹ nhàng, cho điểm “dễ dàng” nhưng không “dễ dãi”. Ở câu 22 câu hỏi ban đầu, đề thi chỉ đánh giá một nấc thang tư duy “biết”, thí sinh đọc xong câu hỏi là có thể lựa chọn được phương án trả lời trong thời gian 15-30 giây. Đối với 8 câu hỏi tiếp theo (từ câu 23 đến câu 30), đề thi yêu cầu thí sinh vận dụng 2 nấc thang tư duy “biết” và “hiểu” để loại trừ và lựa chọn phương án trả lời, nhưng cũng không có nhiều thách thức.

Ví dụ ở cấp độ tư duy “biết” có câu 2 (mã đề 302), câu 10 (mã 304), câu 5 (mã 312), câu 18 (mã 320),… là một trong những câu hỏi nhẹ nhàng, kiếm điểm dễ dàng; thí sinh chỉ cần biết/xác định được Mông Cổ, Thái Lan, Hàn Quốc không phải ở châu Phi là có điểm.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quốc gia nào sau đây ở châu Phi giành được độc lập?

A. Ai Cập.

B. Mông Cổ.

C. Thái Lan.

D. Hàn Quốc.

Hoặc ở cấp độ tư duy “hiểu” có câu 25 (mã đề 305), câu 23 (mã đề 311), câu 29 (mã đề 319), câu 27 (mã đề 323),… thí sinh chỉ cần trải qua hai nấc thang tư duy đơn giản (nhớ lại/tái hiệu lại kiến thức sau đó loại trừ, ra quyết định lựa chọn đáp án đúng).

Thắng lợi quân sự nào sau đây của quân dân miền Nam Việt Nam là kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (7 - 1973) của Đảng Lao động Việt Nam?

A. Phước Long

B. Phay Khắt.

C. Đông Khê.

D. Đoan Hùng.

Ở ví dụ trên, thí sinh chỉ cần nhớ lại Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (7 - 1973) của Đảng Lao động Việt Nam đưa ra quyết định gì? (trong bất cứ trường hợp nào cũng phải tiếp tục sử dụng) bạo lực cách mạng để hoàn thành cuốc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam), sau đó loại trừ các phương án không liên quan đến cách mạng miền Nam (Phay Khắt, Đông Khê và Đoàn Hùng - đều là các địa danh ở miền Bắc Việt Nam).

- Mức 3 và mức 4 (từ câu 31 đến câu 40), câu hỏi có “thách thức” nhưng không “thách đố”. Đây là nhóm câu hỏi phân hóa cao, hướng tới mục tiêu chọn ra những thí sinh đạt điểm từ 7.5 trở lên để các viện, đại học và trường đại học có căn cứ xét tuyển năm 2024. Để trả lời tường câu hỏi ở mức 3 và 4, thí sinh trải qua 3 nấc thang tư duy (biết, hiểu, vận dụng) trở lên, phải kết hợp kiến thức với kĩ năng, kiến thức lịch sử với kiến thức xã hội: Một là, nhận diện và phân biệt “từ khóa” của câu hỏi để không nhầm lẫn tên gọi, thuật ngữ, đơn vị kiến thức khác; Hai là, tư duy lịch sử, đi từ nhớ lại, tái hiện lại từng sự kiện, hiện tượng đã học ở cùng thời điểm hoặc khác giai đoạn lịch sử nhưng có mối liên hệ mật thiết (để làm cơ sở cho việc đối sánh) đến hệ thống hóa kiến thức theo vấn đề; Ba là, tổng hợp và xâu chuỗi lại các kiến thức theo vấn đề để đối sánh, tìm ra những điểm tương đồng/ khác biệt, những điểm mới hoặc sáng tạo,....; Bốn là, loại trừ phương án nhiễu không đúng hoặc chỉ đúng một phần, sau đó ra quyết định lựa chọn đáp án đúng duy nhất.

Điểm khác biệt (một cách thức để phân hóa thí sinh) trong mỗi phương án gây nhiễu ở cấp độ “vận dụng” và “vận dụng cao” so với cấp độ “biết” và “hiểu” là: đáp án và các phương án gây nhiễu “không sử dụng nguyên văn” các cụm từ trong sách giáo khoa; sử dụng “từ ghép” và dùng phương án gây nhiễu dài kết nối các đơn vị kiến thức để tăng nấc thang tư duy. Ví dụ, đề thi sử dụng các từ ghép “đường hướng cách mạng” (đường lối cách mạng và phương hướng tiến lên), “động thái” (hành động và thái độ), “liên minh công - nông -binh” (sự liên minh giữa công nhân với nông dân và binh lính), “thành bại”(sự thành công bất bại). Những cụm từ ghép này không mới, đều đã được sử dụng trong chuyên môn và cuốc sống, có trong từ điển tiếng Việt. Những thí sinh có kiến thức lịch sử vững chắc, biết tổng hợp, tư duy lô-gic giữa các giai đoạn, thời kì lịch sử, biết kết nối kiến thức lịch sử với bài học và cuốc sống,... sẽ dễ dàng chinh phục điểm cao.

Ví dụ ở câu 34 (mã đề 205 và 319), câu 31 (mã đề 310), câu 39 (mã 321 và 324),… là một trong bốn câu hỏi đánh giá ở cấp độ vận dụng cao, thí sinh cần phải trả qua bốn nấc thang tư duy để đưa ra quyết định chọn phương án đúng.

Trong bối cảnh thời cơ “ngàn năm có một” (8 - 1945), Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên giành chính quyền với nguyên tắc nào sau đây?

A. Sử dụng bạo lực, giành lấy chính quyền mọi giá.

B. Tập trung tổng công kích trên cả ba vùng chiến lược.

C. Tập trung, thống nhất và hành động mau lẹ, kịp thời.

D. Chớp lấy thời cơ, hoá giải nguy cơ để không bị tổn thất.

Ở ví dụ trên, trước tiên thí sinh phải xác định và hiểu đúng hàm nghĩa cụm từ thời cơ “ngàn năm có một” (có sự đan xen giữa “thời cơ” và “nguy cơ”) và “nguyên tắc” (những điều cơ bản đề ra nhất định phải thực hiện theo) trong lệnh hỏi. Tiếp đó, thí sinh tái hiện lại bối cảnh thời cơ “ngàn năm có một” ở Việt Nam (từ khi quân phiệt Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, ngày 15-8 đến ngày đầu tháng 9 - 1945) có những biểu hiện như thế nào; tái hiện lại những quyết định, hành động dứt khoát của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương trong bối cảnh thời cơ “ngàn năm có một” (tiêu biểu nhất là việc ban hành số 1, quyết tâm giành chính quyền trên toàn quốc không chậm trễ trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương; nội dung Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân ở Tân Trào; sự kiện chiều ngày 16 - 8 - 1945, Võ Nguyên Giáp dẫn đầu một đơn vị tiến vào Thái Nguyên,...); tái hiện lại bức tranh nhân dân các tỉnh đồng loạt đứng lên giành chính quyền, thắng lợi nhanh chóng và ít đổ máu, sự kiện vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng vào ngày 30-8 tại Ngọ môn Huế,... Cuối cùng, trên cơ sở tái hiện lại những kiến thức đã học, kết hợp với các thao tác tư duy, thí sinh sẽ loại trừ các phương án gây nhiễu không có thật/chưa xảy ra hoặc chỉ đúng một phần (“giành lấy chính quyền bằng mọi giá”, “tổng công kích trên cả ba vùng chiến lược”, “hóa giải nguy cơ để không bị tổn thất”). Phương án đúng ở câu hỏi trên là “Tập trung, thống nhất và hành động mau lẹ, kịp thời ”, được hiểu là tập trung cao nhất lực lượng dân tộc; thống nhất về đường lối, phương pháp hành động trong quá trình giành chính quyền; việc giành chính quyền phải diễn ra mau lẹ, kịp thời, giành thắng lợi trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương, trước khi thực dân Pháp trở lại xâm lược,...

Đề thi có hai câu hỏi định hướng đổi mới cách ra đề Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nói chung, môn Lịch sử nói riêng là kì thi cuối cùng khép lại Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Từ năm học 2024 -2025 thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục năm 20218. Để chuẩn bị cho đổi mới thi tốt nghiệp từ năm 2025, Bộ GD-ĐT đã có quá trình chuẩn bị chu đáo (tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cách xây dựng câu hỏi,...) và công bố cấu trúc, định dạng đề thi minh họa.

Để thầy cô và học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có thể tham khảo, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 các môn, trong đó có Lịch sử đã đưa vào thông tin, sử liệu (có nguồn trích dẫn cụ thể) để học sinh có thêm cơ sở, căn cứ thực hiện các thao tác tư duy khi làm bài. Đề thi môn Lịch sử năm 2024 có hai câu đưa thông tin, sử liệu (liên quan nội dung kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa) tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có thêm thông tin để phân tích vấn đề. Đó là các câu 32 và 38 (mã 305), câu 38 và 40 (mã 312), câu 37 và 40 (mã 322), câu 38 và 39 (mã 315), câu 33 và 36 (mã 324),... Ví dụ, câu 33 của mã đề 324 cung cấp đoạn tư liệu để thí sinh có thêm cơ sở tư duy, phân tích trước khi đưa ra quyết định lựa chọn phương án trả lời như sau:

“Cuộc đàm phán Pari là cuộc đấu tranh cực kì gay go, quyết định giữa ta [Việt Nam] và Mĩ...Phía Mĩ phán ứng quyết liệt. Họ buộc phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mĩ về nước, nhưng vẫn ngoan cố đẩy mạnh chiến tranh “Việt Nam hóa”, thương lượng trên thế mạnh...

Bị thất bại thảm hại trong cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B.52 cuối năm 1972, âm mưu đàm phán trên thế mạnh của Mĩ bị phá sản, ý chí xâm lược Mĩ bị bẻ gãy”. Không còn con bài nào nữa để mặc cả, Mĩ buộc phải kí Hiệp đinh Pari [27--1973], chấp nhận đơn phương rút hết quân Mĩ và quân các nước phụ thuộc về nước...”

(Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính Trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.235 - 236)

Việc Mĩ không thành công về “thương lượng trên thế mạnh”, “bị thất bại thảm hại” trong cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng... (cuối năm 1972); phải trở lại bàn đàm phán và kí Hiệp định Pari (1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chứng tỏ:

A. Những điều kiện, “thời cơ tiến công chiến lược” cho giải phóng miền Nam đã đến.

B. Sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam trong việc “đánh và đàm” với Mĩ.

C. Sau những thất bại về quân sự, Mĩ đã từ bỏ các mục tiêu chiến lược ở Việt Nam.

D. Nước Mĩ đã suy giảm vị thế và không còn là cường quốc giàu mạnh nhất thế giới.

Việc mỗi mã đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Lịch sử có hai câu hỏi cung cấp dữ liệu trước khi đưa ra lệnh hỏi và bốn phương án lựa chọn (A, B, C, D) nhằm định hướng đổi mới cách ra đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Hướng tiếp cận này không làm mất thời gian làm bài, không tăng độ khó câu hỏi, mà giúp học sinh có thêm cơ sở khoa học, thuận lợi hơn khi làm bài.

Lời kết

Có thể nói, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Lịch sử đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Đề thi năm nay không chỉ kế thừa những thành quả của quá trình đổi mới cách ra đề nhiều năm trước đây để khép lại Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2006, mà còn định hướng cho đổi mới cách ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - câu hỏi sẽ đưa thông tin, dữ liệu/ngữ liệu (có trích nguồn) liên quan đến kiến thức cơ bản để cung cấp thêm cơ sở khoa học cho thí sinh thực hiện các thao tác tư duy để làm bài. Lịch sử thực sự là “thầy dạy của cuốc sống”, là “” bó đuốc soi đường đi tới tương lai”./.

ThS Trần Trung Hiếu (Giáo viên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An)

*************

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024), đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024, môn lịch sử (24 mã đề thi).

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020), Sách giáo khoa Lịch Sử 12 (cơ bản và nâng cao), NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Lịch sử cấp THPT, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020), Công văn giảm tải – Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp THPT (Số 3280/BGDĐT-GDTrH, nhày 27/8/2020).